Chiều ngày 12/5, Hội thảo khoa học quốc gia có chủ đề “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ cùng phối hợp tổ chức đã tiếp tục diễn ra.
Tự chủ giáo dục đại học được đề cập từ ít nhất là 25 năm trước
Trình bày tham luận tại hội thảo, Kỹ sư Lê Trung Nghĩa – Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục Mở, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam cho biết, trong giáo dục đại học, tự chủ cơ sở đã được đề cập tới từ ít nhất 25 năm trước, trong tài liệu của UNESCO có tên là “Khuyến nghị liên quan đến tình trạng của đội ngũ giảng viên giáo dục đại học” với nội dung rằng “Quyền tự chủ là một dạng quyền tự do học thuật của cơ sở, là điều kiện tiên quyết cần thiết để đảm bảo thực hiện đúng chức năng được giao cho đội ngũ giảng viên và các cơ sở giáo dục đại học”.
Cũng về khía cạnh tự chủ cơ sở trong giáo dục đại học, tài liệu “Xem xét tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các cơ sở giáo dục đại học công và tư” do Ngân hàng thế giới xuất bản tháng 11/2009 đã chỉ ra hai dạng cơ bản của tự chủ trong các cơ sở giáo dục đại học, cả công lẫn tư, đó là: Tự chủ thực chất có liên quan đến học thuật, nghiên cứu; Tự chủ thủ tục có liên quan đến các lĩnh vực phi học thuật.
Kỹ sư Lê Trung Nghĩa trình bày tham luận tại hội thảo. |
Một trong các nguyên tắc chung ở phần kết luận của tài liệu này nêu “Cần phải suy nghĩ hơn nữa về sự cân bằng giữa quyền tự chủ thực chất và quyền tự chủ thủ tục. Các quốc gia khác nhau đã nhấn mạnh quyền tự chủ thủ tục, hoặc thực chất. Tuy nhiên, việc thúc đẩy quyền tự chủ trong lĩnh vực này hoặc kia có thể mang lại lợi ích ngắn hạn, nhưng trừ khi chúng được thực hiện cùng nhau, những cải cách này không thể mang lại sự thay đổi có ý nghĩa trong hành vi”.
Nghị quyết 14/2005/NQ-CP đã nêu: “Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng đảm bảo quyền tự chủ, trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học “, từ đó đã có những triển khai thí điểm trong thực tế và chứng minh rằng, cơ chế tự chủ đại học là đúng, và cần thiết dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dù được bàn luận nhiều suốt thời gian qua vẫn chưa có hồi kết.
Theo ông Lê Trung Nghĩa, những vấn đề rất nổi cộm của tự chủ đại học rất cần được giải quyết, như sự cần thiết xóa bỏ cơ chế “xin – cho” bằng việc xóa bỏ cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học như một hình thức “giấy phép con”, để thực sự chuyển từ các hệ thống nhà nước kiểm soát sang nhà nước giám sát; xử lý các mối quan hệ và sự cân bằng tối ưu giữa quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học; xác định rõ vai trò/trách nhiệm và mối quan hệ giữa Bí thư Đảng ủy với Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng; làm rõ tự chủ hay tự túc tài chính; xử lý các mâu thuẫn trong văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tự chủ đại học; nhiều thách thức và rào cản khác cần phải được giải quyết nhằm mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng giáo dục đại học; và vị thế nâng cao năng lực và sức mạnh quốc gia.
Chủ tọa điều hành phiên thảo luận thứ 3 của hội thảo vào chiều ngày 12/5. |
ChatGPT là tác nhân chính thúc đẩy giáo dục đại học thời đại 4.0
Để có thể đưa ra nhận định này, theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Đức Ngọc, Trung tâm Nghiên cứu – Chuyển giao Khoa học và Công nghệ giáo dục đại học, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam nêu lên 2 lý do, đó là:
ChatGPT là nguồn thông tin mở, có tính hỏi đáp ở dạng văn bản, đang liên tục được bổ sung và hoàn thiện, được tiếp cận dễ dàng và không cách trở về thời gian và địa điểm cho mọi người.
ChatGPT là công cụ hỗ trợ trong đào tạo, và để tự học và tự đánh giá trí thức cho mọi trình độ, phù hợp với một nền giáo dục mở trong một xã hội học tập đang được triển khai ở nước ta.
Do đó, ChatGPT sẽ làm thay đổi gần như tất cả các điều kiện, và các hoạt động của giáo dục đại học không theo các khuôn mẫu cũ nữa, thì mới tạo nên nguồn nhân lực đáp ứng tốt nhất cho thời đại 4.0, và giáo dục đại học của chúng ta có chất lượng theo kịp nền đại học tiên tiến trên thế giới.
Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc phát biểu tại hội thảo. |
Để ChatGPT thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học, thầy Lê Đức Ngọc đưa ra một số giải pháp cần triển khai: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam cần tổ chức nghiên cứu, và đề xuất chính sách quản lý sử dụng ChatGPT trong giáo dục đại học một cách có văn hóa, có hiệu quả.
Cần có chuyên đề bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giảng viên và người học sử dụng ChatGPT một cách khoa học, hiệu quả và đúng quy định.
Cần tổ chức các chuyên đề đổi mới các hoạt động đào tạo đại học trong phát triển chương trình, phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra đánh giá và hoạt động bảo đảm chất lượng để thích ứng với ChatGPT cho các giảng viên và cán bộ quản lý theo các định hướng là:
Xây dựng chương trình đào tạo/dạy học đại học theo hướng tích hợp tri thức cho từng ngành nghề cụ thể. ChatGPT với vai trò là công cụ hỏi đáp, có giá trị để người hướng dẫn (giảng viên) và sinh viên thực hiện hiệu quả các chương trình dạy học tích hợp tri thức cho từng nghề cụ thể.
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy cách học qua dạy nhận thức và dạy tư duy bậc cao đối với từng tri thức.
Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng đánh giá năng lực nhận thức, và tư duy đối với từng tri thức, từng học phần. Nhờ đó, kiểm tra đánh giá mới chính xác và khách quan năng lực nhận thức, năng lực tư duy các tri thức đã học theo chuẩn đầu ra của từng học phần qua viết hay vấn đáp trực diện hay trực tuyến.
Đổi mới bảo đảm chất lượng theo quản lý chất lượng tổng thể qua đánh giá giá trị gia tăng, hoặc cải tiến liên tục trong hoạt động đào tạo đối với mỗi khóa học của một ngành đào tạo, và trong một giai đoạn phát triển của một nhà trường.
Việt Dũng