Số hoá mạnh mẽ ở cơ sở giáo dục
Năm học 2023-2024, Trường Trung học cơ cở Đông Hương (thành phố Thanh Hóa) có 451 học sinh. Xác định ứng dụng công nghệ số vào trường học là xu thế tất yếu, khách quan, từ năm học này, nhà trường chính thức đưa vào sử dụng học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, giáo án điện tử...
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số giúp nhà trường đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp tiết học trở nên phong phú, lôi cuốn học sinh, từ đó giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại Trường Tiểu học Đông Hải 1 (thành phố Thanh Hóa) hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý học sinh đến quản lý trường học, tổng hợp thông tin, báo cáo các cấp quản lý... đều được thực hiện trên môi trường số, giúp nhà trường “nhàn” hơn trong việc làm giấy tờ, sổ sách.
Đặc biệt, việc kết nối, chia sẻ thông tin, tình hình học tập, hoạt động của học sinh tại trường thuận tiện, tăng cường kết nối giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh.
Trường Trung học cơ sở Đông Hương (thành phố Thanh Hóa) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động dạy học (Ảnh: CTV) |
Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, hiện tại, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng mạng tương đối đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả việc học tập, giảng dạy của giảng viên, sinh viên nhưng nhà trường đã xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật số bao gồm 2 phòng lắp ráp bảo trì máy tính, 4 phòng thực hành tin học, 1 phòng tin học có kết nối thư viện điện tử, 3 phòng học mô phỏng...; chỉnh sửa và cập nhật chuẩn đầu ra cho toàn bộ ngành nghề đào tạo thuộc 3 cấp trình độ...
Đồng thời, đưa các nội dung như IoT, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu tích hợp vào nội dung giảng dạy các môn học.
Việc số hóa bài giảng, học liệu và cả các học phần thực hành mô phỏng tại trường đã mang lại sự hào hứng cho người học.
Theo nhà giáo Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa, thời đại số hóa khiến con người linh hoạt hơn, nhưng vấn đề đặt ra là con người và công nghệ phải cùng song hành. Công nghệ 4.0 đòi hỏi con người có tư duy 4.0 để điều hành, khai thác, làm chủ được công nghệ.
Không chỉ tăng cường sử dụng công nghệ trong dạy học và quản lý, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đang triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu khoa học, tuyển sinh... trên hệ thống phần mềm quản trị.
Hệ thống phần mềm quản trị đã giúp các nhà trường quản lý hiệu quả hoạt động chuyên môn của giáo viên; tiến trình, kết quả học tập của học sinh và nhiều hoạt động khác.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá, hiện nay, 100% trường trung học phổ thông, các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử.
Các phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt, thẻ điểm danh thông minh, các ứng dụng dành cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh trên nền tảng internet cũng đang được các cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả.
Đây là những nền tảng quan trọng để đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng dạy và học.
Nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập
Trước yêu cầu đổi mới và sự phát triển của thời đại, việc sử dụng giáo án điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin đang là xu thế trong ngành giáo dục.
Hiện, nhiều phần mềm quản lý giáo dục đang được các nhà trường sử dụng hiệu quả, như: phần mềm phổ cập giáo dục, phần mềm cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, phần mềm Vnedu, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, phần mềm quản trị nhà trường Essoft...
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá, để thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn ngành, Sở tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục đáp ứng điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và triển khai các nền tảng, ứng dụng, học liệu dùng chung trong toàn ngành giáo dục.
Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại các cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục.
Đến năm 2030 đưa tất cả thành tố của hệ thống giáo dục vào môi trường số, hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến tích hợp kho học liệu số hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông; 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.
Việc chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp hiện đang được các cơ sở này triển khai trên nhiều lĩnh vực, từ quản lý, đào tạo, giảng dạy đến nghiên cứu khoa học, tuyển sinh...
Giờ Tin học của học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) (Ảnh: CTV) |
Theo bà Trịnh Thị Ngọc - Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa, trong những năm tới, nhà trường sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, các phần mềm quản lý đào tạo, phần mềm quản lý học sinh, sinh viên, đồng thời xây dựng các phòng học thông minh, thư viện điện tử... đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục và đào tạo.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 88 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đến nay 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử; hơn 80% trường học sử dụng phần mềm quản lý nhà trường.
Trong quản trị nhà trường, hồ sơ học sinh, sinh viên, hồ sơ nhân sự và hồ sơ về cơ sở vật chất, thiết bị đều đã được quản lý bằng hồ sơ số; hồ sơ giảng dạy đã chuyển đổi sang hồ sơ điện tử, dần thay thế hồ sơ giấy.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã chú trọng số hóa công tác quản lý tuyển sinh; phát triển chương trình quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp; đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số.
Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% trường cao đẳng, trung cấp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; 70% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số...
Thông qua đó, góp phần tạo đột phá về chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để đạt mục tiêu này, cùng với ngành Giáo dục và Đào tạo, cần sự vào cuộc, nỗ lực hơn nữa từ phía cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội nhằm khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng mạng, trang thiết bị phục vụ số hóa dữ liệu.
LÃ TIẾN (Nguồn: giaoduc.net.vn)