Năm cơ sở giáo dục đại học uy tín tại Việt Nam sẽ thí điểm thực hiện mô hình giáo dục đại học số. Nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC sẽ được xây dựng.
Đại diện các trường đại học tham gia tọa đàm xây dựng mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam - Ảnh: N.M.
Đây là thông tin đưa ra tại tọa đàm xây dựng mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 25-3 tại TP.HCM.
5 trường tham gia mô hình đại học số
Hiện nay, đề án thí điểm triển khai năm trường tham gia mô hình giáo dục đại học số trong đào tạo nhân lực công nghệ số đang được xúc tiến triển khai.
Trong đó, Đại học Quốc gia TP.HCM chủ trì (phối hợp các cơ sở giáo dục khác như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông) xây dựng đề án đào tạo nhân lực số.
Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện, phối hợp cùng các bộ ngành khác và các trường xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC, hỗ trợ cơ sở đào tạo hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số. Thiết kế và triển khai xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến. Phát triển mô hình học tập kết hợp (blended learning) và bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến...
Đề án này đặt ra mục tiêu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với số sinh viên dự kiến tham gia học tập trên hệ thống MOOCs dùng chung khoảng 10.000 sinh viên.
Các ý kiến tại tọa đàm cho thấy, chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã có những bước tiến lớn trong thời gian qua, từ việc mở rộng đào tạo theo hình thức trực tuyến tới hoàn thiện các hệ thống quản trị đại học trên nền tảng số.
Tận dụng nguồn lực các trường đại học
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm xây dựng mô hình đại học số - Ảnh: N.M.
Tại châu Á, nhiều nước như Nhật, Hàn Quốc và một số quốc gia khác đã áp dụng mô hình khóa học trực tuyến mở (MOOC).
Malaysia là quốc gia đầu tiên tại châu Á ban hành các quy định đảm bảo chất lượng và chuyển đổi tín chỉ trong giáo dục đại học số; theo sau là Ấn Độ và Indonesia. Các chương trình đào tạo trực tuyến được cung cấp trên một nền tảng quốc gia tập trung.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng mô hình MOOC cho giáo dục đại học số tại Việt Nam sẽ tận dụng tối đa nguồn lực từ các trường trong xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn hóa kiến thức, giảm chi phí, giảm áp lực hạ tầng, tăng quy mô tuyển sinh.
Tuy vậy, có một số vấn đề cần thống nhất, chẳng hạn công nhận tín chỉ. Hiện nay việc công nhận tín chỉ của các trường rất hạn chế. Việc này khiến khóa học trực tuyến mở chỉ là một kênh tham khảo. Trong khi đó vấn đề tài chính, bản quyền cũng cần phải được đánh giá đúng mức.
Tương tự, ông Dương Tôn Thái Dương, phó ban phụ trách Ban đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng ngoài các yêu cầu đảm bảo chất lượng, xây dựng hệ thống, chính sách vận hành, việc công nhận tín chỉ giữa các cơ sở tham gia hệ thống cũng như từ các khóa học trực tuyến mở của các trường nổi tiếng.
Ngoài ra, khi xác định chỉ tiêu cần quy định tỉ lệ tăng thêm đối với năng lực giảng viên quy đổi bằng tỉ lệ phần trăm đào tạo trực tuyến trong chương trình đào tạo.
Trong khi đó, ông Vũ Hữu Đức - Trường đại học Mở TP.HCM - kiến nghị cần điều chỉnh các quy định về tỉ lệ trực tuyến trong môn học. Cách tính giờ làm việc giảng viên trong giảng dạy trực tuyến, cách tính giờ học sinh viên trong giảng dạy trực tuyến cũng phải điều chỉnh, bổ sung.
Nguồn: https://tuoitre.vn/