Theo Dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng đến năm 2030, toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu thuộc 200 cơ sở giáo dục đại học đầu mối, định hướng phân bố theo các vùng trong đó:
Có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, bao gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng và 18-20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.
Ảnh chụp màn hình trong dự thảo báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Nghiên cứu Danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030, một số cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công thương đã có những chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không chỉ nhà trường mà một số trường đại học khác thuộc Bộ Công thương đang nỗ lực xây dựng trường đại học trọng điểm quốc gia.
Thầy Hoàn cho rằng, đã là trường trọng điểm quốc gia, mọi thứ phải đạt chuẩn, chất lượng đào tạo được xã hội công nhận, thương hiệu được lan tỏa tới cộng đồng trong nước và quốc tế. Trường phải gánh vác trọng trách quốc gia để làm đầu tàu trong đào tạo nhân lực, cung cấp nhân tài, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, là trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Trường đại học trọng điểm quốc gia phải giúp cho quốc gia, dân tộc tiến xa, hòa nhập sâu và rộng hơn với cộng động quốc tế.
Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh đã có lộ trình phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia từ năm 2016 với đầy đủ nhận thức xã hội, trách nhiệm cộng đồng và vì quốc gia dân tộc nên trường có kế hoạch chiến lược cụ thể, biết rõ lĩnh vực nào yếu, tiêu chí nào thiếu để đặt mục tiêu phấn đấu.
Đến nay, chiến lược trường đặt ra đã đạt như chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…
Năm 2020, thư viện của trường được người dùng bình chọn là thư viện yêu thích nhất Việt Nam (Best University Library) do Top Sinh viên tổ chức với đơn vị bảo trợ là Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên (FYE).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh website nhà trường |
“Với trường đại học nào không là trường đại học trọng điểm quốc gia đương nhiên không thể đặt lên vai trọng trách “đầu tàu” trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Hiện nhà trường vẫn đang tiếp tục cố gắng, nỗ lực vì trọng trách và sứ mạng của trường đối với quốc gia và dân tộc; phấn đấu vươn lên tầm khu vực và quốc tế.
Nếu Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh không nằm trong danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia thì quả thật đáng buồn vì nhà trường đã có thời gian dài phấn đấu”
_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn_
Được biết, năm 2014, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Công thương lựa chọn để xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Từ đó đến nay, nhà trường đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo (như đổi mới công tác quản lý, từng bước thực hiện phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đào tạo).
Hiện tại, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường hàng đầu về đào tạo kỹ sư thực hành ngành Công thương, đóng góp lớn trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, có tác động tích cực đến sự phát triển chung của lao động ngành.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Phan Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Giáo dục đại học hiện nay đang cạnh tranh mạnh mẽ. Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tự chủ từ rất sớm, có thể nói là tiên phong trong bối cảnh tự chủ.
Do đó, việc không là trường đại học trọng điểm quốc gia sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quá trình vận hành nhưng nhà trường sẽ khó tiếp nhận những cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành mũi nhọn, trọng điểm. Chẳng hạn như được đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ trong trao đổi và hợp tác quốc tế, tiếp nhận học bổng của Chính phủ cho sinh viên khi học tập tại trường hoặc du học...”.
Thầy Hải cho rằng, điều quan trọng khi trường đại học nằm trong danh mục cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia là việc sinh viên được hưởng lợi gì?
Tiến sĩ Phan Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh website nhà trường |
"Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung hội nhập giáo dục quốc tế gắn với xây dựng kinh tế và phát triển xã hội; chủ động thu hút tài trợ trong nghiên cứu và đào tạo từ các tổ chức uy tín trên thế giới.
Do đó, việc công nhận Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học trọng điểm quốc gia sẽ giúp thu hút giảng viên từ nước ngoài về làm việc tại trường với thủ tục, hồ sơ xin cấp phép lao động cho chuyên gia, tình nguyện viên dễ dàng hơn.
Nhà trường cũng mong muốn có nhiều hơn các học bổng không chỉ cho sinh viên Việt Nam khi đi du học nước ngoài, mà còn cả học bổng cho sinh viên quốc tế đến học tập tại Việt Nam"
_Tiến sĩ Phan Hoàng Hải_
Về định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, theo thầy Hải, trường trọng điểm quốc gia phải là trường đại học chủ lực, có quy mô lớn, dẫn dắt được các trường đại học khác trong lĩnh vực cụ thể, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho xã hội, mà còn là làm giảng viên các trường khác.
Trường đại học trọng điểm quốc gia phải thực sự là “một chứng nhận" về chất lượng đào tạo, phải có các ngành đào tạo trọng điểm và có ít nhất một ngành mũi nhọn đạt tiêu chí chất lượng tương đương với ngành thuộc các trường tiên tiến trên thế giới. Do đó, các trường đại học trọng điểm cần sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan quản lý nhà nước để được đầu tư vào những ngành trọng điểm.
"Nếu đã xác lập danh mục trường đại học trọng điểm quốc gia, cơ quan quản lý nhà nước nên có các tiêu chí cụ thể, kèm theo đó là những quyền lợi mà các trường đại học được hưởng, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong từng lĩnh vực đặc thù", thầy Hải chia sẻ.
Cùng nghiên cứu dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiến sĩ Vũ Đức Bình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, có thể Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì không nằm trong danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia.
Bởi, hiện nhà trường tập trung thực hiện chủ trương phấn đấu đến năm 2025 cơ bản Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì tự chủ chi thường xuyên.
Thêm nữa, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) Về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, quy định nội dung cải cách tiền lương là “ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành”.
Do vậy, thầy Bình cho rằng, khi trả lương theo vị trí việc làm, cùng với lộ trình thực hiện tự chủ chi thường xuyên khiến nhà trường không dễ có trong danh mục trường đại học trọng điểm quốc gia.
Theo Dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia có sứ mạng cùng đại học quốc gia dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.
Ngọc Mai (Nguồn: giaoduc.net.vn)